Hành trang của một sinh viên trước khi tốt nghiệp

Bạn là sinh viên năm nhất vừa bước chân vào trường, hay đã là sinh viên năm cuối?  tất cả đều cần có những chuẩn bị để sẵn sàng cho ngày nhận bằng tốt nghiệp. Lúc mà bạn chính thức bước chân vào công việc của mình và tất nhiên là phải chuẩn bị một hành trang cho ngày đó. Bạn cần có cho mình kiến thức, kỹ năng, tư duy… và nhiều hơn thế nữa.

Để làm tốt bất kì một công việc nào thì kiến thức thôi chắc chắn là chưa đủ, chúng ta cần những người tài năng toàn diện, điều đó là một lợi thế để bạn không chỉ hoàn thành tốt công việc của mình mà còn “ghi điểm” ngay từ đầu với nhà tuyển dụng. Chỉ cần qua một buổi phỏng vấn và cách viết CV của bạn thôi thì cũng đủ cho những nhà tuyển dụng biết bạn có đủ năng lực đảm nhận công việc hay không?

Vậy nên hãy chuẩn bị những hành trang ấy ngay từ bây giờ để sẵn sàng cho công việc mà chính mình đã lựa chọn theo đuổi.

Một tấm bằng tốt nghiệp loại ưu

Hành trang của một sinh viên trước khi tốt nghiệp - Ảnh 1.

Tất nhiên rồi, hành trang không thể thiếu đối với một sinh viên trước khi ra trường đó chính là tấm bằng tốt nghiệp. Bạn phải biết tầm quan trọng của nó, mặc cho nhiều người vẫn nói rằng tấm bằng đại học không quan trọng bằng năng lực, tuy nhiên năng lực của bạn lại được đánh giá cụ thể nhất qua xếp loại của tấm bằng tốt nghiệp. Các nhà tuyển dụng cũng dựa vào tấm bằng ấy để xét tuyển, nó như là một điều kiện cần để đi xin việc. Nên bạn phải xác định mục tiêu của mình ngay từ bây giờ, cố gắng hoàn thành chương trình với một tấm bằng loại ưu, hãy bỏ qua những tự hào khi đỗ đại học ấy đi và bắt đầu những tháng ngày với một cấp học mới.

Chứng chỉ ngoại ngữ, tin học

Hành trang của một sinh viên trước khi tốt nghiệp - Ảnh 2.

Điều thứ 2 mà bạn cần có trong  “balô” xin việc của mình là những chứng chỉ, trong đó ngoại ngữ và tin học là yêu cầu thiết thực nhất. Tùy vào mỗi ngành học thì sẽ có những yêu cầu riêng, song trước thời kì mở cửa hội nhập như bây giờ, hầu hết các ngành nghề đều có sự liên kết và hợp tác với nước ngoài thì ngoại ngữ là điều rất cần thiết. Các chứng chỉ A,B, Toeic, Ielts… là những chứng chỉ tiếng Anh rất quan trọng, ngoài ra đa số các trường cũng có quy định về chuẩn đầu ra Tiếng Anh nên việc học ngoại ngữ là điều bạn cần làm mỗi ngày.

Các chứng chỉ tin học cũng rất cần thiết khi mà chúng ta đang trên đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin vào các ngành nghề. Chính vì vậy sử dụng thành thạo ứng dụng tin học cũng là một lợi thế trong công việc sau này của bạn.

Trang bị kỹ năng mềm

Hành trang của một sinh viên trước khi tốt nghiệp - Ảnh 3.

Kỹ năng mềm được đánh giá quan trọng không kém so với bằng tốt nghiệp, thậm chí còn hơn thế nữa. Khi mà tấm bằng chỉ thể hiện trên giấy, trong khi kỹ năng mềm là cách mà bạn chinh phục những nhà tuyển dụng trong lần phỏng vấn xin việc. Các buổi phỏng vấn thường không quá chú trọng vào chuyên môn, mà ngược lại lại đánh giá bạn qua những kỹ năng mềm mà bạn có. Nếu bạn có kỹ năng, bạn có thể ứng xử tốt, có tư duy và sáng tạo hơn trong công việc. Người tốt về kỹ năng mềm cũng là người năng động trong cuộc sống cũng như công việc, nên bạn phải tập trau dồi những kỹ năng ấy ngay khi còn là sinh viên. Năng động, tư duy, sáng tạo, tự tin trước đám đông, hoạt ngôn…nếu bạn cảm thấy mình chưa thực sự nổi bật ở trong một tập thể, hãy cố gắng để cải thiện điều đó.

Năng nổ trong các hoạt động phong trào, thanh niên tình nguyện

Đây cũng là một cách giúp bạn trau dồi kỹ năng mềm khá tốt, tuy nhiên nó lại có những ưu điểm còn hơn thế nữa. Các hoạt động phong trào sẽ giúp điểm rèn luyện ở trường của bạn tăng cao, những giấy chứng nhận hay những tấm bằng khen về những đóng góp trong công tác Đoàn cũng là một cách khẳng định bản thân mình. Các nhà tuyển dụng đều muốn một con người năng động, biết giúp đỡ người khác, sống hòa nhã và không ngại gian khó. Đó là cách “ghi điểm” trong khi bạn đi xin việc.

Có kinh nghiệm trong ngành nghề mình học

Hành trang của một sinh viên trước khi tốt nghiệp - Ảnh 4.

Điều đó hoàn toàn chẳng có gì xa vời cả, bạn đủ 18 tuổi, đủ tuổi kí kết hợp đồng lao động, điều đó đồng nghĩa với bạn có quyền đi làm các công việc theo thỏa thuận. Sinh viên chẳng lạ lùng gì về việc đi làm thêm, và đó là một điều rất tốt. Tuy nhiên nếu như bạn tìm cho mình một công việc liên quan đến chuyên ngành học thì quá tuyệt vời, dù tiền lương có ít ỏi đi chăng nữa nhưng đó là một cách vừa học vừa làm cực kì hiệu quả.

Bạn có thêm kiến thức lẫn kĩ năng và tất nhiên rồi… bạn có quyền ghi vào bản CV rằng mình đã từng có kinh nghiệm làm công việc đó. Đó là một ưu tiên hàng đầu giúp bạn vượt trội hơn so với những đối thủ cùng trang lứa. Kinh nghiệm đối với một sinh viên vừa tốt nghiệp là cách mà bạn tăng tốc hơn so với người khác.